(BBT) - Theo đúng kế hoạch, sáng nay, ngày 4/12/2015, Trường Hải quan Việt Nam (VCS) đã tiếp, đón và làm việc cùng Học viện đào tạo quản lý biên giới của Hải quan Hàn Quốc (CBCTI) do ông Lee Beum Ju làm Trưởng Đoàn. Buổi tiếp đón diễn ra trong không khí trang trọng, thân thiện và cởi mở.
Bạn và ta: Nhiều nét tương đồng
Sau nghi thức tiếp xã giao tại phòng khách quốc tế, Đoàn làm việc bắt đầu trao đổi những nội dung chính xoay quanh lĩnh vực đào tạo của cả hai bên. Ông Nguyễn Đình Phiên, Trưởng Đoàn VCS, Hiệu trưởng Trường Hải quan Việt Nam báo cáo tóm tắt vị trí, chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của đơn vị. Ông cũng giới thiệu tương đối cụ thể danh mục các nội dung đào tạo của Nhà trường. Phía bạn rất hứng thú với những nét tương đồng trong chương trình đào tạo của VCS và CBCTI. Giống VCS, CBCTI cũng có các khóa đào tạo cho cán bộ mới vào ngành, cán bộ chuẩn bị được thăng chức (ở VCS là nâng ngạch) và cán bộ quản lý (ở VCS là bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo cấp Tổ, Đội). Bên cạnh các khóa đào tạo chuyên sâu dài hạn còn có những khóa đào tạo ngắn hạn từ 2 - 3 tuần. Mỗi cán bộ, công chức Hải quan phải có bắt buộc tối thiểu là 80 giờ đào tạo trong năm. Các chương trình đào tạo nội bộ rất phong phú chạy song song với các khóa đào tạo cho doanh nghiệp và người dân.
Ông Nguyễn Đình Phiên, Trưởng Đoàn VCS tiếp xã giao Đoàn CBCTI
tại Phòng khách quốc tế (Ảnh: NTD)
CBCTI hiện nay vẫn trực thuộc quản lý của Tổng cục Hải quan và Bộ Tài chính Hải quan, 100% ngân sách do Nhà nước đảm bảo. Ông Lee Beum Ju rất thẳng thắn chia sẻ: “Hải quan Hàn Quốc thực hiện việc luân chuyển theo chu kỳ 02 năm/lần. Cũng giống các bạn, chúng tôi luôn đau đầu về việc đãi ngộ cho giảng viên của Hải quan Hàn Quốc còn chưa cao”.
Bạn và ta: Một khoảng cách rất xa
CBCTI có lịch sử khá lâu đời, xuất hiện từ năm 1939. Nhưng đến năm 2006, CBCTI mới tách ra hoạt động độc lập và đặt trụ sở tại Cheonan năm 2008. Năm 2010, CBCTI được WCO công nhận là Trung tâm đào tạo của châu Á - Thái Bình Dương.
Không khí buổi làm việc sôi nổi ngay từ những phút đầu
(Ảnh: Ngô Tiến Dũng)
Cơ sở vật chất của bạn rất hiện đại. Ngoài khối nhà chính (hội trường với 164 chỗ ngồi, giảng đường 32 chỗ với 11 phòng, 3 phòng CNTT, 56 chỗ; phòng họp nhóm 12 chỗ, 11 phòng; phòng hội thảo quốc tế 45 chỗ) và Tổ hợp đào tạo các lĩnh vực hải quan (3 tầng, 3.500m2), ký túc xá (161 phòng đôi có máy tính cá nhân, TV, phòng tắm riêng), nhà ăn tự phục vụ (496 chỗ), câu lạc bộ, thư viện hơn 20.000 đầu sách, phòng thể dục thể hình, phòng truyền thông, khu chơi bóng bàn, tennis, billiard và futsal. Phía bạn gọi những khu vực này là “không gian trải nghiệm” cho học viên đến học.
"Màu cờ sắc áo" của bạn và ta
(Ảnh: Ngô Tiến Dũng)Chức năng đào tạo quốc tế là một trong những chức năng mà CBCTI luôn xác định là rất quan trọng đối với cán bộ, giảng viên Học viện. Trong năm 2015, CBCTI đã tổ chức đào tạo cho 5600 người trên 109 lĩnh vực đào tạo khác nhau. Hàng năm có từ 400 đến 500 học viên hải quan các nước trên thế giới đến học tập tại CBCTI. Các chương trình đào tạo cho học viên nước ngoài được thực hiện hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Các thành viên Đoàn CBCTI chăm chú lắng nghe các thông tin về VNS
(Ảnh: Ngô Tiến Dũng)
Đào tạo trực tuyến là một thế mạnh của CBCTI. Chương trình, nội dung bài giảng được cập nhật trên website để doanh nghiệp, người dân và học viên dễ dàng theo học. Điểm đáng chú ý là, đào tạo online là một khâu của đào tạo thực tế. Học viên Hải quan Hàn Quốc trước khi tới CBCTI dự học phải tìm hiểu trước và tham dự một số nội dung trên server. Nếu đáp ứng được yêu cầu từ đào tạo online, họ mới có đủ điều kiện dự học trực tiếp.
Ông Lee Beum Ju - Giám đốc CBCTI và cảm giác thân thiện khi đến VNS
(Ảnh: Ngô Tiến Dũng)
Đào tạo chuyên môn của Bạn vừa bắt buộc lại vừa được thực hiện theo hình thức “tự chọn”.
Đối với Hải quan Việt Nam, việc học tập, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ vẫn còn có tính cưỡng chế, bắt buộc. Quá trình học tập không liên quan hay ảnh hưởng đến quá trình thăng tiến của cá nhân. Đối với Hải quan Hàn Quốc, việc học là nhu cầu tự thân của mỗi công chức. Hàng năm họ phải đảm bảo 80 giờ đào tạo. Nếu không đảm bảo đủ yêu cầu, không qua các kỳ thi “test” đầu vào ở CBCTI có thể họ sẽ bị “đào thải”. CBCTI rất chú trọng các chương trình khuyến khích, động viên học viên đạt kết quả cao trong học tập. Thành tích này là một trong những cơ sở không thể thiếu trên con đường thăng tiến của mỗi công chức.
Hàng năm kim ngạch xuất nhập khẩu của bạn lên đến hàng nghìn tỉ đô la, là một trong những nền kinh tế hàng đầu thế giới, nhưng cả ngành Hải quan Hàn Quốc chỉ có hơn 4.500 công chức. Phương pháp quản lý hiện đại của bạn lấy đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực hành chính cho công chức Hải quan làm trung tâm là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự tinh gọn, giản nhẹ trong biên chế.
Hợp tác song phương: biến kỳ vọng trở thành thực tế
Ông Nguyễn Đình Phiên, Trưởng Đoàn VCS khi phát biểu tổng kết đã bày tỏ: “CBCTI và VCS có rất nhiều nét tương đồng. Chúng tôi mong muốn nhận được hỗ trợ từ phía bạn về các chương trình đào tạo kỹ thuật nghiệp vụ hải quan như xuất xứ hàng hóa, phân loại hàng hóa…; đào tạo chuyên sâu chống buôn lậu, kiểm soát xuất khẩu…; đào tạo single window và đào tạo online. Chúng tôi cũng mong muốn được trao đổi học viên, mởi giảng viên của các bạn sang VCS giảng dạy, đào tạo”. Ông Lee Beum Ju vui mừng nhận lời hỗ trợ giảng viên và hy vọng hàng năm có thể nhận từ 2 đến 3 học viên của Việt Nam sang học tập tại Trường. Ông cũng hi vọng trong tương lai, các nội dung đào tạo đã được bàn bạc tại buổi làm việc này sớm được hiện thực hóa. Hai bên đã cử ra đầu mối trực tiếp liên hệ cùng nhau.
Hai đoàn chụp ảnh lưu niệm tại sảnh làm việc VCS
(Ảnh: Ngô Tiến Dũng)Trước khi xuất phát đi Hạ Long, Đoàn đã dùng bữa cơm thân mật cùng lãnh đạo chủ chốt Nhà trường. Ông Lee Beum Jun chia sẻ rất chân thành: “Tuy mới gặp nhau lần đầu nhưng cảm giác cả hai đã vô cùng thân quen”.
Sự thân quen ấy không chỉ đến từ những nét tương đồng của hai ngôi trường, mà trước hết còn đến từ thiện chí của mỗi cá nhân, thiện chí hợp tác, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và cơ hội.
(THQVN)